Categories
Kiến thức

Quả cà phê là phần trái của cây cà phê, bên trong chứa nhân hạt cà phê – thành phần chính dùng để sản xuất bột cà phê. Về hình dáng, quả cà phê thường có hình tròn hoặc bầu dục, tương tự như quả anh đào, với kích thước từ 1 – 2 cm. Khi chín, vỏ ngoài của quả có màu đỏ, vàng hoặc cam tùy thuộc vào giống cà phê (như Typica, Bourbon…).

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 170 triệu bao (60kg/bao) mỗi năm, trong đó các quốc gia như Brazil, Việt Nam, Colombia và Ethiopia là những nhà sản xuất hàng đầu.

Xét về cấu trúc, quả cà phê được chia thành hai phần chính: phần vỏ (lớp bao bọc bên ngoài) và phần hạt (nằm bên trong). Mỗi lớp cấu trúc của quả cà phê, bao gồm vỏ quả, vỏ thịt, vỏ trấu, vỏ lụa và nhân cà phê, đều chứa các hợp chất hóa học riêng biệt, góp phần hình thành hương vị và tạo nên nét đặc trưng riêng của từng loại cà phê.

Quá trình phát triển của quả cà phê trải qua 5 giai đoạn chính, bao gồm: ra hoa, hình thành quả, giai đoạn tăng trưởng, lấp đầy nội nhũ và chín hoàn thiện.

Quả cà phê được thu hoạch bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm hái chọn lọc, hái tuốt, sử dụng máy rung cầm tay và thu hoạch bằng máy cơ giới.

Cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết!

Cấu tạo và thành phần quả cà phê
Cấu tạo và thành phần quả cà phê

Quả Cà Phê Có Cấu Tạo Như Thế Nào?

Quả cà phê được chia thành 2 phần chính: phần vỏ (lớp bên ngoài) và phần hạt (lớp bên trong).

1. Phần vỏ

Phần vỏ của quả cà phê đóng vai trò bảo vệ phần hạt bên trong và bao gồm 2 lớp chính: lớp vỏ quả (outer skin) và lớp vỏ thịt (pulp hoặc mucilage).

  • Lớp vỏ quả

Lớp vỏ quả là lớp ngoài cùng của quả cà phê, được hình thành từ các tế bào mô mềm có khả năng hấp thụ nước. Ban đầu, lớp vỏ này có màu xanh nhờ sự hiện diện của lục lạp (cơ quan quang hợp của tế bào thực vật). Khi quả chín, màu sắc của lớp vỏ dần chuyển thành đỏ hoặc vàng, tùy thuộc vào giống cà phê.

Ở giống cà phê Typica, lớp vỏ quả chuyển sang màu đỏ do sự xuất hiện của sắc tố anthocyanin. Trong khi đó, ở giống cà phê Bourbon, lớp vỏ có màu vàng nhờ sự hiện diện của sắc tố luteolin.

Chức năng chính của lớp vỏ quả là bảo vệ phần thịt và hạt cà phê bên trong khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, sự thay đổi màu sắc của lớp vỏ cũng là dấu hiệu nhận biết độ chín của quả cà phê, giúp nông dân xác định thời điểm thu hoạch thích hợp.

  • Lớp vỏ thịt

Lớp vỏ thịt nằm ngay dưới lớp vỏ ngoài của quả cà phê và bao quanh phần hạt bên trong. Về cấu trúc, lớp thịt này có sự thay đổi rõ rệt tùy theo độ chín của quả. Khi quả chưa chín, thịt quả có kết cấu cứng và bám chặt vào lớp vỏ ngoài. Đến khi quả chín, enzyme pectolytic sẽ phân hủy các chuỗi pectin trong lớp thịt, biến nó thành một lớp nhầy ẩm, có độ dính cao và kết cấu mềm mại.

Lớp vỏ thịt đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế biến cà phê, đặc biệt là ở hai phương pháp phổ biến:

  • Chế biến ướt: Lớp nhầy được loại bỏ hoàn toàn thông qua quá trình lên men tự nhiên, giúp làm sạch hạt cà phê.
  • Chế biến khô: Lớp nhầy vẫn được giữ nguyên bám trên hạt cà phê trong suốt quá trình phơi khô, góp phần tạo ra những hương vị đặc biệt trong cà phê thành phẩm.
Cấu tạo quả cà phê
Cấu tạo quả cà phê

1. Phần hạt

Phần hạt nằm bên trong lớp vỏ và gồm 3 lớp chính: Lớp vỏ trấu (parchment), lớp vỏ lụa (silver skin) và nhân cà phê (coffee bean).

  • Lớp vỏ trấu

Lớp vỏ trấu là lớp bảo vệ ngoài cùng của quả cà phê, nằm dưới lớp nhầy và thịt quả. Vỏ trấu gồm 3-7 lớp tế bào xơ cứng, thường chiếm khoảng 3,8% trọng lượng quả cà phê Arabica ở độ ẩm 11%.

Vỏ trấu có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hạt cà phê khỏi va chạm, côn trùng và yếu tố thời tiết. Hiện nay, vỏ trấu được tái chế để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc uống cà phê Huskee.

  • Lớp vỏ lụa

Đây là lớp bảo vệ cuối cùng trước khi nhân hạt cà phê lộ ra ngoài, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhân cà phê khỏi các tác động bên ngoài.

Lớp vỏ lụa được hình thành từ lớp nucellus – một lớp bảo vệ tự nhiên của hạt giống thực vật. Khi hạt cà phê phát triển, lớp nucellus chuyển hóa thành vỏ lụa và gắn chặt quanh nhân hạt. Lớp vỏ lụa có kết cấu rất mỏng và nhẹ. Khi hạt cà phê được sấy khô, lớp vỏ này trở nên giòn và dễ bong ra.

Quá trình loại bỏ vỏ lụa thường diễn ra trong công đoạn đánh bóng hạt cà phê sau khi vỏ trấu đã được tách ra. Tuy nhiên, ở một số quy trình chế biến, lớp vỏ lụa vẫn được giữ lại để bảo vệ tự nhiên cho nhân hạt cà phê.

Màu sắc của vỏ lụa có thể khác nhau tùy thuộc vào giống cà phê và điều kiện sinh trưởng. Ở một số giống cà phê, vỏ lụa có màu trắng bạc điển hình, trong khi ở các giống khác, lớp vỏ này có thể có màu sẫm hơn.

  • Nhân cà phê

Nhân cà phê là phần trong cùng và quan trọng nhất của quả cà phê, đây chính là phần được sử dụng để rang xay thành bột cà phê. Thông thường, mỗi quả cà phê có 2 nhân, nhưng đôi khi có thể có 1 nhân (cà phê Culi) hoặc 3 nhân (hiếm gặp).

Nhân cà phê gồm hai thành phần chính là nội nhũ và phôi. Nội nhũ chiếm phần lớn khối lượng của nhân, tiền thân của hương vị và mùi thơm cà phê sau khi rang. Phôi là phần nhỏ hơn, chịu trách nhiệm nảy mầm khi hạt được gieo trồng.

Thành Phần Hóa Học Của Quả Cà Phê Chín

Các lớp cấu trúc như vỏ quả, vỏ thịt, vỏ trấu, vỏ lụa và nhân cà phê đều chứa những hợp chất đặc trưng, góp phần tạo nên sự khác biệt của từng loại cà phê.

Thành phần hóa học quả cà phê chín
Thành phần hóa học quả cà phê chín

1. Vỏ quả

Vỏ quả cà phê chứa nhiều anthocyanin, một sắc tố tự nhiên chịu trách nhiệm cho màu đỏ của quả cà phê chín. Ngoài ra còn chứa các hợp chất khác như: caffeine, alkaloid, tannin, các enzyme.

  • Caffeine: Một hợp chất có vị đắng, giúp bảo vệ quả cà phê khỏi côn trùng và động vật.
  • Alkaloid: Hợp chất có tính kiềm, thường có tác dụng bảo vệ tự nhiên cho cây.
  • Tannin: Hợp chất polyphenol có vị chát, giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi sinh vật và côn trùng.
  • Các enzyme: Các enzyme tự nhiên trong vỏ quả giúp thúc đẩy quá trình phân hủy các thành phần bên trong khi quả chín, hỗ trợ trong quá trình chế biến cà phê.

2. Vỏ thịt

Thành phần hóa học nổi bật trong vỏ thịt bao gồm đường và pectinase:

  • Đường: Vỏ thịt có hàm lượng đường cao, tạo vị ngọt tự nhiên cho quả chín. Đường này cũng có thể ngấm vào nhân trong quá trình chế biến, nhất là với phương pháp chế biến khô.
  • Pectinase: Đây là một enzyme quan trọng có tác dụng phân hủy các chuỗi pectin trong vỏ thịt, làm cho lớp nhầy trở nên mềm và dẻo hơn. Enzyme này cũng hỗ trợ quá trình lên men trong phương pháp chế biến ướt, giúp tách lớp nhầy khỏi hạt cà phê.

3. Vỏ trấu

Lớp vỏ trấu chứa các chất hóa học quan trọng, bao gồm caffeine và chất xơ:

  • Caffeine: Chiếm khoảng 0,4% tổng trọng lượng quả cà phê, caffeine trong vỏ trấu giúp bảo vệ hạt cà phê khỏi sự tấn công của côn trùng và nấm mốc.
  • Chất xơ (Cellulose): Đây là thành phần chính trong cấu trúc vỏ trấu, giúp tạo nên lớp vỏ cứng, bảo vệ nhân hạt khỏi các tác động vật lý và môi trường bên ngoài.

4. Vỏ lụa

Về mặt hóa học, lớp vỏ lụa chứa các thành phần chính sau: cellulose, hemicellulose, lignin, protein, lipid, caffeine, khoáng chất và polyphenol.

  • Cellulose: Cellulose là một loại carbohydrate không hòa tan trong nước, tạo nên cấu trúc cứng và bền cho lớp vỏ. Khi rang cà phê, cellulose bị phá vỡ và góp phần tạo ra các hợp chất dễ bay hơi, ảnh hưởng đến hương thơm của cà phê.
  • Hemicellulose: Đây là hợp chất polysaccharide có khả năng bị phân hủy ở nhiệt độ thấp hơn cellulose. Trong quá trình rang, hemicellulose bị phân hủy và tham gia vào các phản ứng Maillard, góp phần tạo ra các hợp chất thơm và màu nâu sẫm của hạt cà phê.
  • Lignin: Lignin là một polymer hữu cơ phức tạp, có chức năng như “chất keo” liên kết cellulose và hemicellulose với nhau. Khi rang cà phê, lignin bị phân hủy thành các hợp chất dễ bay hơi, có thể tạo ra hương thơm khói nhẹ, góp phần hình thành mùi thơm đặc trưng của cà phê.
  • Chất béo (Lipid): Mặc dù tỷ lệ lipid trong vỏ lụa thấp hơn so với nhân cà phê, nhưng sự hiện diện của lipid vẫn có ý nghĩa. Trong quá trình rang, lipid bị phân hủy thành các hợp chất dễ bay hơi, góp phần tạo ra hương vị và hương thơm của cà phê.
  • Chất khoáng: Vỏ lụa cũng chứa một lượng nhỏ các khoáng chất như canxi, magiê, kali và phốt pho, những chất này có thể hòa tan trong nước và ảnh hưởng đến hương vị của cà phê.
  • Protein và amino acid: Một số protein có trong vỏ lụa đóng vai trò trong các phản ứng Maillard, tạo ra màu sắc nâu vàng và hương thơm phức tạp khi rang cà phê. Mặc dù hàm lượng protein trong vỏ lụa không cao, nhưng chúng vẫn có tác động đáng kể đến hương vị cuối cùng của hạt cà phê.
  • Caffeine: Lớp vỏ lụa cũng chứa một lượng nhỏ caffeine, mặc dù không nhiều như trong nhân cà phê. Sự hiện diện của caffeine có thể góp phần bảo vệ hạt khỏi côn trùng và nấm mốc.
  • Polyphenol (Chất chống oxy hóa): Lớp vỏ lụa chứa một số polyphenol, có khả năng chống oxy hóa tự nhiên. Chúng có vai trò bảo vệ hạt khỏi các tác động của môi trường và có thể góp phần tạo ra vị chát nhẹ cho cà phê.

5. Nhân cà phê

Nhân cà phê chứa các thành phần cơ bản như nước, lipid, protein, đường và tinh bột. Bên cạnh các thành phần cơ bản, nhân cà phê còn chứa các hợp chất hóa học đặc trưng như caffeine, axit chlorogenic (CGA), trigonelline:

  • Nước: Chiếm 10 – 12% khối lượng nhân cà phê chín. Tỷ lệ nước giảm dần trong quá trình sấy khô và cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng hạt cà phê.
  • Lipid (chất béo): Chiếm 10 – 13% khối lượng của nhân, chất béo trong cà phê tạo ra độ bóng và mùi thơm đặc trưng của hạt cà phê sau khi rang. Lipid đóng vai trò quan trọng trong việc giữ mùi hương, làm tăng cảm giác mượt mà, béo ngậy khi uống.
  • Protein: Chiếm 9 – 11%. Protein góp phần hình thành cấu trúc của hạt và là nguyên liệu quan trọng trong các phản ứng Maillard trong quá trình rang cà phê, tạo ra các hương thơm phức tạp.
  • Đường: Chiếm 5 – 10%, bao gồm các loại đường đơn (glucose, fructose) và đường phức (sucrose). Trong quá trình rang, đường bị caramel hóa, góp phần tạo ra vị ngọt tự nhiên của cà phê.
  • Tinh bột: Chiếm 3 – 5% khối lượng. Tinh bột đóng vai trò làm “nguồn năng lượng dự trữ” cho hạt và cũng tham gia vào quá trình hình thành mùi vị của cà phê.
  • Caffeine: Là hợp chất tạo nên vị đắng đặc trưng của cà phê. Caffeine không chỉ có tác dụng kích thích thần kinh mà còn là thành phần bảo vệ cây cà phê khỏi côn trùng và sâu bệnh.
  • Axit chlorogenic (CGA): Là một loại axit hữu cơ có tác dụng tạo ra độ chua nhẹ trong cà phê, đặc biệt là trong các giống cà phê Arabica. CGA cũng có vai trò là chất chống oxy hóa tự nhiên.
  • Trigonelline: Là hợp chất tiền thân của niacin (vitamin B3), tạo ra mùi thơm đặc trưng của cà phê sau khi rang. Trigonelline cũng góp phần làm cho hạt cà phê cứng hơn, giúp giữ vững cấu trúc hạt.
Thành phần hóa học nhân cà phê
Thành phần hóa học nhân cà phê

Quá Trình Phát Triển Của Quả Cà Phê

Quá trình phát triển của quả cà phê trải qua 5 giai đoạn chính: ra hoa, đậu quả, tăng trưởng, lấp đầy nội nhũ và quả chín.

1. Ra hoa

Sau khi cây cà phê được trồng ổn định, khoảng 2 – 3 năm sau, cây sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa cà phê có màu trắng tinh khiết và tỏa ra mùi hương dịu nhẹ, dễ chịu. Hoa thường nở rộ trong vài ngày ngắn ngủi, sau đó nhanh chóng tàn đi. Khoảng 1 tháng sau khi hoa tàn, các quả cà phê non bắt đầu hình thành. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của quả cà phê.

Giai đoạn cà phê ra hoa
Giai đoạn cà phê ra hoa

2. Đậu quả

Giai đoạn đậu quả bắt đầu từ 6 – 10 tuần sau khi cây cà phê ra hoa. Trong thời gian này, quả cà phê chuyển sang trạng thái tiềm ẩn (ngừng phát triển tạm thời) có thể kéo dài đến 60 ngày. Do kích thước của quả còn rất nhỏ và chưa định hình hoàn chỉnh, giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn “đầu đinh”.

Sự phát triển của quả chủ yếu diễn ra thông qua sự phân chia tế bào thay vì mở rộng tế bào. Ở giai đoạn này, cả hạt cà phê và lớp vỏ bên ngoài đều phát triển song song, tạo nền tảng cho các giai đoạn tăng trưởng sau này.

3. Tăng trưởng

Từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 17, quả cà phê bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh về kích thước và khối lượng. Lớp vỏ bên ngoài (gọi là pericarp) phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn này. Sự phát triển chủ yếu diễn ra thông qua sự mở rộng của tế bào, thay vì phân chia tế bào như trước đó.

Trong giai đoạn này, quả cà phê phình to nhanh chóng, lớp vỏ bên ngoài dày hơn và phần nội nhũ bên trong bắt đầu hình thành. Đây là giai đoạn quyết định kích thước tối đa của nhân cà phê.

Đến cuối giai đoạn tăng trưởng, quả cà phê tạm ngừng phát triển trong khoảng 2 tuần, được gọi là giai đoạn nghỉ hoặc trì hoãn. Mặc dù kích thước quả đã đạt mức tối đa, nhưng hàm lượng chất khô bên trong vẫn chưa ổn định.

Ở tuần 17, quả cà phê đạt kích thước trưởng thành. Khi cắt ngang quả, có thể quan sát được hai nhân hạt hoàn chỉnh, mặc dù phần nội nhũ vẫn còn non và chưa cứng.

4. Lấp đầy nội nhũ

Từ tuần 17 đến tuần 28, quá trình lấp đầy nội nhũ diễn ra mạnh mẽ. Lượng chất khô trong hạt tăng lên đáng kể nhờ sự lắng đọng của protein, sucrose và polysaccharide phức tạp. Ở giai đoạn này, khối lượng tươi của quả cà phê ít thay đổi, nhưng lượng chất khô trong hạt lại tăng nhanh.

Lúc này, phần nội nhũ (nhân hạt), ban đầu ở trạng thái lỏng, bắt đầu cứng dần do sự tích lũy của protein và các chất dinh dưỡng. Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hương vị và mùi thơm của hạt cà phê. Lớp thịt quả (mesocarp) cũng dày lên và lớp vỏ ngoài (exocarp) bắt đầu chuyển màu từ xanh sang đỏ hoặc vàng, tùy theo giống cà phê.

Ngoài ra, trong quả cà phê non, hàm lượng nước chiếm khoảng 80% khối lượng tươi, nhưng đến cuối giai đoạn, tỷ lệ này giảm xuống còn 70% trong vỏ và 50% trong phôi và hạt. Quá trình này được lý giải là do sự gián đoạn chuyển vị của các chất đồng hóa quang hợp từ quả sang hạt, dẫn đến giảm trọng lượng khô của quả.

5. Quả chín

Giai đoạn chín diễn ra từ tuần 24 đến tuần 34 (kể từ khi hoa nở) và là giai đoạn cuối cùng trước khi thu hoạch. Những thay đổi quan trọng nhất xảy ra ở lớp vỏ và thịt quả. Lớp trung bì (mesocarp) trở nên mềm hơn nhờ hoạt động của các enzyme, trong đó nổi bật là enzyme phân hủy polysaccharide và protopectin, khiến pectin bị phân giải thành pectin hòa tan. Quá trình này làm cho quả cà phê trở nên mềm hơn và ngọt hơn.

Phần vỏ ngoài (exocarp) chuyển từ xanh sang đỏ, vàng hoặc cam, tùy thuộc vào giống cà phê và kiểu gen. Lớp thịt quả (mesocarp) cũng trở nên mọng nước, ngọt và giàu đường hơn, giúp cải thiện hương vị của nhân hạt. Nếu để quả quá chín, pectin sẽ bị chuyển hóa thành axit pectic, điều này có thể làm cho quả có vị chua hoặc dễ bị lên men.

Giai đoạn quả cà phê chín
Giai đoạn quả cà phê chín

Giai đoạn chín kéo dài khoảng 10 tuần. Khi quả đã chín hoàn toàn, phần vỏ và thịt trở nên mềm, dễ tách ra khỏi hạt. Nhân hạt lúc này đã đạt được hàm lượng chất khô tối đa, lý tưởng cho việc thu hoạch và chế biến. Đây là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch nhằm đảm bảo hương vị tối ưu của cà phê thành phẩm.

Quả Cà Phê Được Thu Hoạch Như Thế Nào?

4 phương pháp thu hoạch quả cà phê phổ biến bao gồm: hái chọn lọc, hái tuốt, thu hoạch bằng máy cầm tay và thu hoạch bằng máy cơ giới.

1. Hái chọn lọc (Selective harvesting)

Hái chọn lọc là phương pháp thu hoạch thủ công bằng tay, trong đó chỉ những quả cà phê chín mới được thu hoạch. Người lao động sẽ dùng tay ngắt từng quả chín trên cành, để lại những quả xanh tiếp tục phát triển. Phương pháp này thường áp dụng cho các giống cà phê có giá trị cao, đặc biệt là cà phê Arabica.

2. Hái tuốt (Stripping)

Hái tuốt là phương pháp thu hoạch toàn bộ quả cà phê trên cành, bất kể quả đã chín hay còn xanh. Thay vì ngắt từng quả, người lao động sẽ dùng tay tuốt mạnh theo chiều dài của cành, khiến tất cả các quả rơi xuống.

Thu hoạch cà phê
Thu hoạch cà phê

3. Thu hoạch bằng máy cầm tay (Handheld harvesting)

Phương pháp này sử dụng máy rung cầm tay để làm rụng các quả cà phê chín trên cây. Máy có cấu tạo gồm một động cơ và thanh rung, khi gắn vào cành cây, máy tạo ra rung động, làm các quả chín rơi xuống.

4. Thu hoạch bằng máy cơ giới (Mechanical harvesting)

Phương pháp này sử dụng máy cơ giới chuyên dụng để thu hoạch toàn bộ quả cà phê trên cây. Máy có cấu trúc như một “máy cắt cành” khổng lồ, đi dọc theo các hàng cây cà phê và lắc cành để làm rơi toàn bộ quả cà phê.

Giải Đáp Các Câu Hỏi Liên Quan Đến Quả Cà Phê

Vỏ quả cà phê có ứng dụng nào trong thực tế không?

Có, vỏ cà phê, đặc biệt là vỏ trấu, được sử dụng để sản xuất cốc tái chế thân thiện với môi trường (ví dụ: dự án Huskee). Ngoài ra, vỏ cà phê còn được dùng làm phân bón hữu cơ, nguyên liệu đốt (biomass) hoặc thức ăn chăn nuôi.

Có bao nhiêu giống cà phê phổ biến trên thế giới?

Có hơn 100 giống cà phê trên thế giới, nhưng hai giống phổ biến nhất là Arabica và Robusta. Ngoài ra, còn có một số giống ít phổ biến hơn như Liberica và Excelsa, nhưng chúng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng cà phê toàn cầu.

Có bao nhiêu hương vị cà phê?

Cà phê chứa hơn 100 hương vị phong phú, bao gồm cả hương khô và hương ướt, được chia thành 10 nhóm chính. Các nhóm hương vị này bao gồm: trái cây nhiệt đới, quả mọng, cam chanh, quả hạch, ngũ cốc và hạt, caramel và chocolate, hoa và thảo mộc, gia vị, rau củ và thực phẩm. Mỗi nhóm mang đến những sắc thái hương vị độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng trong trải nghiệm thưởng thức cà phê.

Hạt cà phê có công dụng gì với sức khỏe?

Hạt cà phê giúp tăng cường tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, chống oxy hóa, hỗ trợ giảm cân, tăng cường trao đổi chất và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 nhờ các hợp chất như caffeine, axit chlorogenic và chất chống oxy hóa.

Mua cà phê Việt chất lượng tại Mỹ ở đâu?

Nếu bạn đang tìm kiếm cà phê Việt chính gốc ngay tại Mỹ, EYT là lựa chọn lý tưởng. Được sáng lập bởi người con của Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt Nam, EYT mang đến hương vị cà phê đậm đà, nguyên bản và chất lượng vượt trội.

Tại sao nên chọn EYT Coffee?

  • Chỉ sử dụng hạt cà phê đạt 80+ điểm theo thang SCA, đảm bảo chất lượng cao và hương vị độc đáo.
  • Cà phê được thu hoạch và chọn lọc từ Buôn Ma Thuột, vùng trồng cà phê nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
  • Quy trình sản xuất từ chọn hạt – rang xay – đóng gói đều được kiểm soát chặt chẽ, giữ trọn hương vị tự nhiên, tươi ngon.
  • Cung cấp đa dạng sản phẩm từ cà phê nguyên hạt, cà phê xay sẵn, cà phê hòa tan 3in1 và cà phê đen hòa tan.
  • Coffee EYT kết hợp 4 giống cà phê nổi tiếng: Arabica, Robusta, Liberica, Excelsa, mang đến hương vị phong phú và độc đáo.

EYT Coffee không chỉ mang đến cà phê chất lượng mà còn là cầu nối giữa văn hóa cà phê Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Liên hệ ngay để được tư vấn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục